Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế ứng phó dịch Covid-19

11/05/2020 07:48

Sáng ngày 09/5, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế ứng phó dịch Covid-19. Hội nghị được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam; trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố. Tại điểm cầu tỉnh Hà Giang, dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Cục thuế tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành dự tại điểm cầu của các cơ quan, đơn vị.

​ 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra có sức ảnh hưởng nghiêm trọng hơn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2018. Trước thách thức đó, Việt Nam đã theo đuổi chiến lược mục tiêu kép, một mặt phòng, chống dịch, mặt khác phát triển kinh tế. Nhờ vậy, sau hơn 23 ngày Việt Nam đã không có ca nhiễm mới, không ca tử vong. Đồng thời, quý 1 vừa qua tăng trưởng kinh tế đạt 3,8%. Mặc dù, đây là mức thấp nhất trong hơn 10 năm gần đây, nhưng đây là mức tăng trưởng khá so với bối cảnh chung của thế giới, trong đó Việt Nam vẫn duy trì nền tảng cao nhất. Với chủ đề: “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thời gian qua, Đảng, chính quyền và nhân dân đã chứng kiến một tinh thần “chống dịch như chống giặc”, còn giờ đây, tinh thần “chống trì trệ như chống dịch” cần phải được thúc đẩy. Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, làm gì mà không nghĩ đến Tổ quốc thì không thể thành doanh nghiệp lớn được. Không nản chí vì nản chí là tự mình bỏ cuộc. Cần năng động, quyết đoán vì thụ động, lưỡng lự của doanh nghiệp là tự mình đánh mất cơ hội.

Theo kết quả khảo sát gần 130.000 doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện vào tháng 4 vừa qua cho thấy, khoảng 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Gần 58% số doanh nghiệp bị giảm mạnh về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong số các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, tỷ lệ doanh nghiệp không xuất khẩu được hàng hoá lên tới 56,9%.

 

  

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở UBND tỉnh Hà Giang.

Trên tinh thần chia sẻ và đồng hành cùng doanh nghiệp, hội nghị đã tập trung bàn các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ, các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương có nhiều kiến nghị, thời gian tới chính quyền cần tạo nhiều cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp; xem xét đề xuất chính sách giảm tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp mà doanh nghiệp phải đóng cho người lao động trong thời gian doanh nghiệp tạm dừng hoặc giảm quy mô sản xuất; xem xét gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp và gia hạn nộp tiền thuê đất. Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ xác định các nhóm ngành hàng, nguyên vật liệu đầu vào bị thiếu hụt để định hướng cho doanh nghiệp dịch chuyển cơ cấu sản xuất thay thế nhập khẩu. Khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da giày. Tiếp tục triển khai các chương trình khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa. Nghiên cứu các chính sách tài khóa mạnh hơn như miễn, giảm thuế VAT cho các sản phẩm, dịch vụ cụ thể để giúp DN giảm giá thành sản phẩm…

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ban, ngành, địa phương tập trung khởi động lại nền kinh tế Việt Nam, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%. Đồng thời, kiểm soát lạm phát dưới 4%. Để đạt mục tiêu đề ra tập trung 5 mũi giáp công: Thu hút đầu tư các thành phần trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân; thu hút đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công và khuyến khích tiêu dùng nội địa. Khẳng định vị trí doanh nghiệp là lực lượng chủ chốt trên mặt trận kinh tế, từ tăng trưởng đến giải quyết việc làm, thu ngân sách, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp không được trông chờ, ỷ lại; phải tái cơ cấu, nâng cao trình độ quản lý để phát triển bền vững; phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là cách mạng công nghệ 4.0 để nâng cao năng suất. Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải lắng nghe để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị tác động rất lớn. Đó là giải quyết nhanh các thủ tục, quan tâm xử lý kiến nghị doanh nghiệp, không được “đảo qua, đảo lại” làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Cuối cùng, Thủ tướng nhắn nhủ, “doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam gắn liền với niềm tự hào của dân tộc. Một dân tộc chịu đựng, vượt khó - “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Chính vì vậy, chúng ta cùng đoàn kết, cùng quyết tâm, cùng nhau lập thành tích hoàn thành nhiệm vụ cao nhất trong năm nay và các năm tiếp theo, đóng góp cho sự phát triển dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh ở Việt Nam”.

Cùng với cả nước, tỉnh Hà Giang đã triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình xảy ra dịch bệnh Covid-19 theo đúng nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh viêm phổi cấp Covid-19. Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, tổ chức họp chỉ đạo các Sở, ban, ngành; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, UBND các huyện/thành phố căn cứ vào nội dung chỉ đạo tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Chính phủ và căn cứ tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương mình xây dựng phương án, kịch bản của ngành, địa phương để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư và các hộ kinh doanh sản xuất trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian dịch bệnh, các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong tỉnh chỉ hoạt động ở mức độ cầm chừng, một số doanh nghiệp ngừng hoạt động do không tiêu thụ được sản phẩm, không có lao động, chuyên gia kỹ thuật, máy móc nhập khẩu. Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực: Du lịch; thương mại, dịch vụ; vận tải hành khách; xuất, nhập khẩu….

Nguồn: hagiang.gov.vn