Đổi mới việc thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông"

17/06/2021 23:57

 Thay đổi cách thức quản trị từ truyền thống sang hiện đại để từng bước hình thành công dân số, doanh nghiệp số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số… trở thành chiến lược then chốt trong đổi mới việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” gắn với giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử, chuyển đổi số dịch vụ công (DVC) trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Tỷ lệ giải quyết hồ sơ TTHC đúng và sớm hạn tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đạt 97,34%.

Thực hiện tái cấu trúc quy trình TTHC, tích hợp, cung cấp DVC trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG), Cổng DVC của tỉnh theo hướng đơn giản, thuận lợi, cắt giảm chi phí, tỉnh ta đã hoàn thiện cung cấp 175 DVC trực tuyến mức độ 3 và 1.501 DVC trực tuyến mức độ 4 tích hợp trên Cổng DVC tỉnh kể từ 10.6.2021; hoàn thiện 245 DVC trực tuyến mức độ 4 tích hợp cung cấp trên Cổng DVCQG. Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch và chỉ đạo các sở, ngành thực hiện tái cấu trúc quy trình TTHC nhằm đảm bảo tỷ lệ cung cấp DVC trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng DVCQG, Cổng DVC của tỉnh đạt trên 50% trong năm 2021 và tiến tới 100% phù hợp cung cấp DVC trực tuyến vào năm 2022.

Nhằm kịp thời phát hiện và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các quy định, TTHC chưa phù hợp, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị rà soát cắt giảm tối đa thời gian giải quyết TTHC so với điều kiện đáp ứng giải quyết; cắt giảm tối đa thành phần hồ sơ TTHC không cần thiết; phấn đấu giảm tối thiểu 10 – 15% chi phí tuân thủ TTHC sau đơn giản hóa, tập trung vào 5 nhóm TTHC thuộc ngành Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Giao thông – Vận tải, Công thương, Lao động – TB&XH. Mặt khác, các sở, ngành, địa phương đã sử dụng hệ thống thông tin “một cửa điện tử” để xem xét, giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân một cách kịp thời, chính xác, đúng quy định. Nổi bật trong đó, các sở, ban, ngành thực hiện tiếp nhận hồ sơ TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công (PVHCC) tỉnh có tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn và sớm hạn cao, lên đến 97,34%.

Phó Giám đốc Trung tâm PVHCC tỉnh Nguyễn Đức Mạnh, cho biết: Hiện nay, đã có 10 cơ quan thực quy trình “5 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả) tại Trung tâm PVHCC tỉnh, theo hai hình thức: Trực tiếp tại Trung tâm PVHCC hoặc số hóa hồ sơ giấy để tạo hồ sơ điện tử, gửi qua hệ thống thông tin “một cửa điện tử” về cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc ký số của cơ quan có thẩm quyền để gửi đến cơ quan liên thông phối hợp giải quyết. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường sự minh bạch, khách quan trong giải quyết TTHC, rút ngắn quy trình giải quyết thủ tục, thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân và cơ quan nhà nước khi giải quyết TTHC. Đây cũng là bước tiến quan trọng để triển khai áp dụng rộng rãi DVC trực tuyến và giải quyết TTHC hoàn toàn trên môi trường điện tử, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Hơn nữa, thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, 100% các cơ quan, đơn vị thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tại Trung tâm PVHCC tỉnh đã số hóa hồ sơ, ứng dụng chữ ký số để thực hiện toàn bộ hoặc một số bước TTHC bằng phương tiện điện tử, thông qua hệ thống thông tin “một cửa điện tử”. Chỉ trong quý I năm 2021, tỉnh ta đã đồng bộ trạng thái, kết quả xử lý hồ sơ trên Cổng DVCQG 441 TTHC; cung cấp 174 DVC trực tuyến mức độ 3 và 665 DVC mức độ 4 trên tổng số 852 hồ sơ. Một số cơ quan có số lượng hồ sơ phát sinh và giải quyết TTHC trên môi trường điện tử cao, như: Sở Công thương, Sở Giao thông – Vận tải, Văn phòng UBND tỉnh, UBND huyện Hoàng Su Phì…

Từ thực tế trên cho thấy, kết quả công tác cải cách, kiểm soát TTHC, cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử của tỉnh có bước chuyển tiến bộ để từng bước nâng cao hiệu lực công tác cải cách TTHC. Không những vậy, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ trực tiếp giải quyết TTHC đã nhận thức rõ vị trí, vai trò, chức trách, nhiệm vụ được giao, bảo đảm nguyên tắc nhanh chóng, thuận lợi, khách quan, minh bạch trong giải quyết TTHC. Tiếp nối kết quả này, hiện nay, tỉnh ta đã xây dựng kế hoạch cụ thể để tiếp tục đổi mới việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” gắn với giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, chuyển đổi số DVC trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh ta triển khai và thực hiện tốt chiến lược “4 không – 1 có”: Làm việc không giấy tờ; hội họp không tập trung; DVC không gặp mặt; thanh toán không tiền mặt và dữ liệu có chuyển đổi số. Chiến lược này được kết hợp với đổi mới việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số, nền kinh tế số, xã hội số theo chủ trương chung của Chính phủ.

Thông qua đổi mới việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, chuyển đổi số DVC, tỉnh ta xác định mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ; sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết TTHC. Từ đó, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính, nhất là việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC thông qua ứng dụng công nghệ thông tin.

Nguồn: Báo Hà Giang